ĐẠO VÀ ĐỜI


Đường Đạo là con đường dốc và hẹp, phải vượt lên cao cho nên có phần mệt nhọc, ít người theo, đối với Đời nó là con đường buồn tẻ; trái lại, con đường Đời bê tha, phóng túng, thì thênh thang, hấp dẫn; vì xuống dốc rất dễ dàng và có nhiều người đi nên trông nó có vẻ rộn rịp, vui nhộn, khiến ai cũng ham thích và đua chen sa ngã.
Đường Đạo có nhiều giai đoạn, nhiều cấp bực, ta phải đi từ bực thấp lên cao. Phải học lần lần cho thông suốt hết mới đỡ vấp ngã. Nên nhớ là ta phải trải qua nhiều thử thách, nhất là phải lần lượt trả cho dứt các nghiệp quả mới được giải thoát. Cũng giống như đường đời, muốn lên bực cao, trước phải học bực thấp. Muốn vào Đại học phải học xong bậc Tiểu học và Trung học rồi mới đủ trí để hiểu bài Đại học. Nhiều bạn muốn sớm học với Thầy Tiên chớ không nghe lời dạy dỗ, khuyên lơn của các Sư Huynh đã đi trước mình, đã có nhiều kinh nghiệm. Như thế chẳng khác gì người mới bắt đầu học chữ mà muốn học với các vị Cử nhơn, Tiến sĩ, giáo sư Đại học. Dầu cho mấy vị nầy có vì tình riêng lãnh dạy giúp mình, thì cũng phải bắt đầu dạy bài lớp chót, Tiểu học rồi mới lần lần lên Trung và Đại học. Hễ mình càng chuyên cần thì trí càng mở rộng, và trí có mở rộng, mình mới hiểu được bài học cao ở các bậc trên. Đành rằng có thầy giỏi thì ta dễ học, mau hay, nhưng nếu ta thiếu siêng năng, không cố gắng suy xét để rút kinh nghiệm thì cũng chậm tiến bộ. Học Đạo là học Luật Trời, hay là Luật Thiên Nhiên. Các nhà khoa học cũng phải thi hành đúng Luật Thiên Nhiên mới có kết quả tốt đẹp. Nếu không biết áp dụng luật Thiên Nhiên thì sẽ không bao giờ thành công.
Ta phải luôn luôn tận tụy với công việc ta làm. Nếu là làm việc để lãnh tiền công thì phải làm cho xứng đáng với số tiền lương mình lãnh, đừng lánh nặng, tìm nhẹ, ngồi chơi mà lãnh tiền là không công bình, dầu là công, tư chức, công nhân cũng phải tận tâm với chức nghiệp, không xao lãng phận sự thì mới tiến bộ được. Trong khi làm việc để giúp đỡ người, không tính công, không cần người đền ơn đáp nghĩa, cũng phải tận tình lo lắng, làm hết sức mình chớ không phải làm chấm câu lấy có.
Tinh hoa các tôn giáo đều giống nhau, ấy là hành thiện. Chỉ có các nghi lễ, thờ phụng cúng bái, tức là các hình thức bề ngoài khác nhau mà thôi. Tôn giáo nào cũng bắt buộc tín đồ làm các việc lành, tránh các điều ác. Nếu ai không giữ hai điều nầy là sai Đạo, còn phương pháp áp dụng để luyện cho được chơn chánh thì tùy thích mỗi người. Nhưng muốn có được Tâm Đạo, muốn có thói quen về điều lành nào thì phải tưởng mãi điều đó cho đến khi thành thuộc rồi sẽ bắt qua điều khác. Ban đầu thấy dường như chậm chạp, nhưng khi học được điều nào thì chắc chắn không còn quên nữa.
Người tu hành phải tập cho được những tánh tốt căn bản như: AN PHẬN, TRẦM TĨNH, KHOAN DUNG, BỀN CHÍ, LÒNG TỪ ÁI, và khi có được các tính tốt nầy rồi thì tự nhiên sẽ có được nhiều đức tính khác.
ĐỜI và ĐẠO không thể tách rời nhau được. Nếu ta chỉ sống theo Đời, mãi đắm say vật chất, nuôi dưỡng những dục vọng ích kỷ, đê hèn, thì nghiệp quả chất chồng và phải luân hồi đau khổ không biết đến bao giờ mới dứt.
Còn người theo Đạo mà phế bỏ việc đời, coi như mình không có nhiệm vụ gì đối với thế gian, thì chưa làm xong bổn phận của người tu, cũng chưa giải thoát được.
Người tu hành muốn được đắc đạo giải thoát, cần phải quên mình để lo cho đời, phải chia sớt, gánh vác một phần nghiệp quả của Trần gian. Phải xem gương Đức Chúa đã hy sinh thân mình chịu khổ cho nhân loại và Đức Thích Ca dầu đã đắc quả Phật, nhập Niết Bàn mà mỗi năm Ngài vẫn còn hiện xuống thế gian một lần để ban ân huệ cho đời.
Trái lại, người đời muốn diệt trừ phiền não, thoát đọa Luân hồi chỉ có một phương duy nhứt là dứt bỏ lòng trần, lo lánh dữ, làm lành, tu dưỡng tánh tình và rửa lòng cho trong sạch, nghĩa là phải tìm vào cửa ĐẠO. Chúng ta đừng quên rằng bao giờ ĐỜI và ĐẠO cũng liên quan.

BÌNH LUẬN

No comments:

Post a Comment